Bị "Sàm Sỡ" Nơi Công Sở: Làm Thế Nào Để Đối Phó?

  • 05/03/2020

Trong những ngày gần đây, hành vi sàm sỡ, quấy rối tình dục đang gây bức xúc nghiêm trọng trong dư luận. Không ít vụ việc xảy ra tại nơi công sở nhưng hầu như không có bất cứ sự bảo vệ nào. Có cách nào để đối phó với những hành vi này?

Thế nào là quấy rối nơi công sở?

Theo Bộ quy tắc ứng xử về quấy rối tình dục tại nơi làm việc do Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và Phòng Thương mại - Công nghiệp Việt Nam công bố:

Quấy rối tình dục là hành vi có tính chất tình dục gây ảnh hưởng tới nhân phẩm của nữ giới và nam giới, đây là hành vi không được chấp nhận, không mong muốn và không hợp lý làm xúc phạm đối với người nhận, tạo ra môi trường làm việc bất ổn, thù địch và khó chịu”.

Các hành vi quấy rối có thể là:

- Quấy rối bằng hành vi (vuốt ve, sờ mó, ôm ấp, cưỡng dâm,…)

- Quấy rối bằng lời nói (gợi ý về tình dục, nhận xét về trang phục, cơ thể khi không có người đó,…)

- Quấy rối bằng hành vi phi lời nói (nhìn gợi tình, ngôn ngữ cơ thể khiêu khích, phô bày hình ảnh, vật khiêu dâm,…)

Nguồn: www.ilo.org

Đây là một trong những hành vi nghiêm trọng bị cấm theo khoản 2 Điều 8 Bộ luật Lao động mới nhất năm 2012.

Có cách nào để đối phó quấy rối nơi công sở? (Ảnh minh họa)


4 cách đối phó quấy rối nơi công sở

Quấy rối thường là những hành vi rất khó chứng minh và dễ bị chối bỏ bởi khó có thương tổn rõ ràng trên cơ thể và người thực hiện cho rằng đó chỉ là vui đùa, trêu ghẹo. Tuy nhiên, mức độ đau xót và những hệ lụy lâu dài của nó đối với nạn nhân sẽ là nỗi ám ảnh đè nặng lên tâm lý đến suốt cuộc đời.

Chính vì vậy, mỗi người lao động rơi vào trường hợp này nên biết cách để đối phó và loại bỏ nó.

1 - Kín đáo, lịch sự và nghiêm túc nơi công sở

Công sở là nơi làm việc, chính vì vậy, lao động nữ nên lựa chọn cho mình những bộ trang phục nhã nhặn, không nên quá gợi cảm, sexy. Điều này sẽ tránh được việc gây thu hút, lòng ham muốn của người khác giới.  

Bên cạnh đó, khi nghe thấy những lời chọc ghẹo, tán tỉnh hay những hình ảnh khiêu dâm, hãy thờ ơ với nó, không quan tâm tới những chuyện xung quanh, tập trung vào công việc và tránh tiếp xúc với đối tượng để làm giảm sự hứng thú của “hắn” đối với mình.

2 - Khiếu nại tới cấp trên

Nếu những lời nói hay hành vi quấy rối không có dấu hiệu dừng lại và vượt quá tầm kiểm soát của bản thân thì người lao động nên khiếu nại tới cấp trên, người có thẩm quyền giải quyết trong cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp mình.

Việc khiếu nại có thể thực hiện trực tiếp hoặc khiếu nại bằng đơn. Thời hiệu khiếu nại tới cấp trên là 180 ngày, kể từ ngày xảy ra hành vi quấy rối (khoản 1 Điều 7 Nghị định 24/2018/NĐ-CP).

Trường hợp quá 30 ngày mà cấp trên không giải quyết hoặc giải quyết không hiệu quả thì người lao động được quyền khiếu nại tới Chánh Thanh tra Sở Lao động Thương binh và Xã hội, nơi doanh nghiệp đặt trụ sở chính.

Chánh thanh tra Bộ Lao động Thương binh và xã hội là chủ thể cuối cùng về giải quyết khiếu nại của người lao động theo thủ tục hành chính.

3 - Nhờ pháp luật can thiệp

Trường hợp việc quấy rối nơi công sở trở nên quá phức tạp và không thể tự giải quyết, lao động nữ nên thu thập bằng chứng, chứng cứ, từ những tin nhắn, lời nói, hình ảnh,… cho đến những hành vi để trình báo tới cơ quan hành pháp.

Theo khoản 1 Điều 5 Nghị định 167/2013/NĐ-CP, người quấy rối “có cử chỉ, lời nói thô bạo, khiêu khích, trêu ghẹo, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác” sẽ bị phạt từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng.

Nghiêm trọng hơn, người quấy rối “xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự của người khác” có thể bị phạt tù tới 05 năm (Điều 155 Bộ luật Hình sự 2015).

4 - Chấm dứt hợp đồng lao động

Nếu như quá mệt mỏi và sợ hãi khi mọi cách đều không thể giải quyết được vấn đề, và trường hợp đặc biệt, người quấy rối chính là “sếp” thì cách tốt nhất để người lao động bảo vệ chính mình và kết thúc mọi chuyện là thôi việc và tìm một công việc khác.

Trong trường hợp này, theo Điều 37 Bộ luật Lao động 2012, người lao động bị quấy rối tình dục được đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động và chỉ cần báo trước 03 ngày làm việc.

Sức khỏe, danh dự và nhân phẩm là quyền bất khả xâm phạm của mỗi cá nhân. Chính vì vậy, mỗi người lao động nên tự biết cách bảo vệ chính mình và bảo vệ những người xung quanh trước hành vi quấy rối nơi công sở.

Xem thêm:

Gạ tình - luật quy định thế nào?

“Sàm sỡ” nữ đồng nghiệp bị phạt… 200.000 đồng!

Nhắn tin đe dọa người khác có thể bị đi tù

Thùy Linh

Quý khách cần gặp luật sư để được tư vấn thêm về việc này vui lòng liên hệ số 1900636383 (miễn phí)

(Nguồn: https://luatvietnam.vn)

PROFILE LHD LAW FIRM
Tags
0 bình luận trong bài viết này
Gửi bình luận
captcha

BÀI VIẾT LIÊN QUAN

+6888+

Khách hàng

+1689+

Dự án

+39+

Nhân sự

3+

Văn phòng