Cập Nhật: Hồ Sơ, Thủ Tục Nhận Tiền Hỗ Trợ Theo Nghị Quyết 68

  • 10/01/2022
NỘI DUNG BÀI VIẾT
Hiển thị tất cả
NỘI DUNG BÀI VIẾT
Hiển thị tất cả

Cập nhật: Hồ sơ, thủ tục để người dân nhận hỗ trợ theo Nghị quyết 68

1. Hồ sơ, thủ tục đối với NLĐ tạm hoãn thực hiện HĐLĐ, nghỉ việc không hưởng lương

Đối tượng, điều kiện hỗ trợ

NLĐ làm việc theo HĐLĐ phải tạm hoãn thực hiện HĐLĐ, nghỉ việc không hưởng lương do thuộc một trong các trường hợp sau: phải điều trị COVID-19, cách ly y tế, trong các khu vực bị phong tỏa, không thể đến địa điểm làm việc do yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền để phòng, chống dịch COVID-19; do người sử dụng lao động bị tạm dừng hoạt động toàn bộ hoặc một phần theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền để phòng, chống dịch COVID-19 hoặc có trụ sở chính, chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm sản xuất, kinh doanh trên địa bàn thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch theo nguyên tắc của Chỉ thị 16 hoặc áp dụng các biện pháp không hoạt động/ngừng hoạt động/hoạt động hạn chế/hoạt động có điều kiện/hoạt động hạn chế, có điều kiện theo quy định tại Nghị quyết 128 hoặc bố trí lại sản xuất, lao động để phòng, chống dịch COVID-19 được hỗ trợ khi đủ các điều kiện sau:

– Tạm hoãn thực hiện HĐLĐ, nghỉ việc không hưởng lương trong thời hạn của HĐLĐ, từ 15 ngày liên tục trở lên, tính từ ngày 01/5/2021 đến hết ngày 31/12/2021 và thời điểm bắt đầu tạm hoãn thực hiện HĐLĐ, nghỉ việc không hưởng lương từ ngày 01/5/2021 đến ngày 31/12/2021.

– Đang tham gia BHXH bắt buộc (có tên trong danh sách tham gia BHXH bắt buộc của cơ quan BHXH) tại tháng NLĐ tạm hoãn thực hiện HĐLĐ, nghỉ việc không hưởng lương hoặc tại tháng liền kề trước thời điểm NLĐ tạm hoãn thực hiện HĐLĐ, nghỉ việc không hưởng lương.

Hồ sơ đề nghị hỗ trợ

(1) Bản sao văn bản thỏa thuận tạm hoãn thực hiện HĐLĐ, nghỉ việc không hưởng lương. Trường hợp do dịch bệnh hoặc nguyên nhân bất khả kháng không thể thỏa thuận bằng văn bản, người sử dụng lao động và NLĐ có thể thỏa thuận bằng các hình thức khác (qua điện thoại, tin nhắn, thư điện tử,…), sau khi có sự thống nhất thỏa thuận về việc tạm hoãn thực hiện HĐLĐ, nghỉ việc không hưởng lương giữa hai bên thì người sử dụng lao động ghi rõ cách thức thỏa thuận vào cột “Ghi chú” tại Mẫu số 05 và chịu trách nhiệm về tính chính xác của nội dung thỏa thuận.

(2) Danh sách NLĐ có xác nhận của cơ quan BHXH theo Mẫu số 05.

(3) Trường hợp thuộc đối tượng quy định tại khoản 2 Điều 14 Quyết định 23 thì bổ sung thêm bản sao một trong các giấy tờ sau: Giấy tờ chứng minh NLĐ đang mang thai; Giấy khai sinh hoặc Giấy chứng sinh của trẻ em; Giấy chứng nhận nuôi con nuôi; Quyết định giao, nhận chăm sóc thay thế trẻ em của cơ quan có thẩm quyền.

Trình tự, thủ tục thực hiện

– Người sử dụng lao động lập danh sách, chịu trách nhiệm về tính chính xác, trung thực về danh sách NLĐ theo quy định tại khoản 2 Điều 15 Quyết định 23 và đề nghị cơ quan BHXH xác nhận NLĐ đang tham gia BHXH. Trong 02 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được đề nghị, cơ quan BHXH xác nhận việc tham gia BHXH của NLĐ.

– Người sử dụng lao động gửi hồ sơ theo quy định tại Điều 15 Quyết định 23 đến UBND cấp huyện nơi đặt trụ sở chính hoặc chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm sản xuất, kinh doanh. Thời hạn tiếp nhận hồ sơ chậm nhất đến hết ngày 31/01/2022.

– Trong 02 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được đầy đủ hồ sơ, UBND cấp huyện thẩm định, trình UBND cấp tỉnh.

– Trong 02 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ, UBND cấp tỉnh ban hành quyết định phê duyệt Danh sách và kinh phí hỗ trợ; đồng thời chỉ đạo thực hiện chi trả hỗ trợ. Trường hợp không phê duyệt, UBND cấp tỉnh thông báo bằng văn bản và nêu rõ lý do.

2. Hồ sơ, thủ tục đối với NLĐ ngừng việc

Đối tượng, điều kiện hỗ trợ

NLĐ được hỗ trợ khi có đủ các điều kiện sau:

– Làm việc theo chế độ HĐLĐ bị ngừng việc vì lý do theo khoản 3 Điều 99 Bộ luật Lao động và thuộc một trong các trường hợp sau: phải điều trị COVID-19, cách ly y tế, trong các khu vực bị phong tỏa hoặc không thể đến địa điểm làm việc do yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền; do người sử dụng lao động phải tạm dừng hoạt động toàn bộ hoặc một phần theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền để phòng, chống dịch COVID-19 hoặc có trụ sở chính, chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm sản xuất, kinh doanh trên địa bàn thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch theo nguyên tắc của Chỉ thị 16 hoặc áp dụng các biện pháp không hoạt động/ngừng hoạt động/hoạt động hạn chế/hoạt động có điều kiện/hoạt động hạn chế, có điều kiện theo quy định tại Nghị quyết 128 hoặc bố trí lại sản xuất, lao động để phòng, chống dịch COVID-19 từ 14 ngày liên tục trở lên trong thời gian từ ngày 01/5/2021 đến hết ngày 31/12/2021.

– Đang tham gia BHXH bắt buộc (có tên trong danh sách tham gia BHXH bắt buộc của cơ quan BHXH) tại tháng NLĐ ngừng việc hoặc tại tháng liền kề trước thời điểm NLĐ ngừng việc.

Hồ sơ đề nghị hỗ trợ

(1) Danh sách NLĐ có xác nhận của cơ quan BHXH theo Mẫu số 06.

(2) Trường hợp thuộc đối tượng quy định tại khoản 2 Điều 18 Quyết định 23 thì bổ sung thêm bản sao một trong các giấy tờ sau: Giấy tờ chứng minh NLĐ đang mang thai; Giấy khai sinh hoặc Giấy chứng sinh của trẻ em; Giấy chứng nhận nuôi con nuôi; Quyết định giao, nhận chăm sóc thay thế trẻ em của cơ quan có thẩm quyền.

Trình tự, thủ tục thực hiện

– Người sử dụng lao động lập danh sách, chịu trách nhiệm về tính chính xác, trung thực về danh sách NLĐ theo quy định tại Điều 19 Quyết định 23 và đề nghị cơ quan BHXH xác nhận NLĐ đang tham gia BHXH. Trong 02 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được đề nghị, cơ quan BHXH xác nhận việc tham gia BHXH của NLĐ.

– Người sử dụng lao động gửi hồ sơ theo quy định tại Điều 19 Quyết định 23 đến UBND cấp huyện nơi đặt trụ sở chính hoặc chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm sản xuất, kinh doanh. Thời hạn tiếp nhận hồ sơ chậm nhất đến hết ngày 31/01/2022.

– Trong 02 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được đầy đủ hồ sơ, UBND cấp huyện thẩm định, trình UBND cấp tỉnh.

– Trong 02 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ, UBND cấp tỉnh ban hành quyết định phê duyệt Danh sách và kinh phí hỗ trợ; đồng thời chỉ đạo thực hiện chi trả hỗ trợ. Trường hợp không phê duyệt, UBND cấp tỉnh thông báo bằng văn bản và nêu rõ lý do.

– Trong 02 ngày làm việc kể từ ngày nhận được kinh phí hỗ trợ của UBND cấp tỉnh, người sử dụng lao động thực hiện chi trả cho NLĐ.

3. Hồ sơ, thủ tục với NLĐ chấm dứt HĐLĐ nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp

Đối tượng, điều kiện hỗ trợ

NLĐ làm việc theo chế độ HĐLĐ thuộc một trong các trường hợp sau: phải cách ly y tế, trong các khu vực bị phong tỏa hoặc không thể đến địa điểm làm việc do yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền để phòng, chống dịch COVID-19; do người sử dụng lao động bị tạm dừng hoạt động toàn bộ hoặc một phần theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền để phòng, chống dịch COVID-19 hoặc người sử dụng lao động có trụ sở chính, chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm sản xuất, kinh doanh trên địa bàn thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch theo nguyên tắc của Chỉ thị 16 hoặc áp dụng các biện pháp không hoạt động/ngừng hoạt động/hoạt động hạn chế/hoạt động có điều kiện/hoạt động hạn chế, có điều kiện theo quy định tại Nghị quyết 128 hoặc bố trí lại sản xuất, lao động để phòng, chống dịch COVID-19 trong thời gian từ ngày 01/5/2021 đến hết ngày 31/12/2021 được hỗ trợ khi có đủ các điều kiện sau:

– Đang tham gia BHXH bắt buộc (có tên trong danh sách tham gia BHXH bắt buộc của cơ quan BHXH) tại tháng NLĐ chấm dứt HĐLĐ hoặc tại tháng liền kề trước thời điểm NLĐ chấm dứt HĐLĐ.

– Chấm dứt HĐLĐ trong thời gian từ ngày 01/5/2021 đến hết ngày 31/12/2021 nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp, trừ các trường hợp sau đây:

+ NLĐ đơn phương chấm dứt HĐLĐ trái pháp luật.

+ Hưởng lương hưu, trợ cấp mất sức lao động hằng tháng.

Hồ sơ đề nghị hỗ trợ

(1) Đề nghị hỗ trợ theo Mẫu số 07.

(2) Bản sao một trong các giấy tờ sau:

– HĐLĐ đã hết hạn hoặc đã hoàn thành công việc theo HĐLĐ.

– Quyết định thôi việc.

– Thông báo hoặc thỏa thuận chấm dứt HĐLĐ.

(3) Bản sao Sổ BHXH hoặc xác nhận của cơ quan BHXH về việc tham gia BHXH bắt buộc và bảo hiểm thất nghiệp.

(4) Trường hợp thuộc đối tượng quy định tại khoản 2 Điều 22 Quyết định 23 thì bổ sung thêm bản sao một trong các giấy tờ sau: Giấy tờ chứng minh NLĐ đang mang thai; Giấy khai sinh hoặc Giấy chứng sinh của trẻ em; Giấy chứng nhận nuôi con nuôi; Quyết định giao, nhận chăm sóc thay thế trẻ em của cơ quan có thẩm quyền.

Trình tự, thủ tục thực hiện

– NLĐ có nhu cầu hỗ trợ gửi hồ sơ đến Trung tâm Dịch vụ việc làm thuộc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội nơi NLĐ chấm dứt HĐLĐ. Thời hạn tiếp nhận hồ sơ chậm nhất đến hết ngày 31/01/2022.

– Trước ngày 05 và ngày 20 hằng tháng, Trung tâm Dịch vụ việc làm rà soát, tổng hợp danh sách NLĐ đủ điều kiện hỗ trợ trình Sở Lao động – Thương binh và Xã hội.

– Trong 02 ngày làm việc kể từ ngày nhận danh sách, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội thẩm định, trình UBND cấp tỉnh.

– UBND cấp tỉnh phê duyệt danh sách hỗ trợ; đồng thời chỉ đạo thực hiện chi trả hỗ trợ trong 03 ngày làm việc. Trường hợp không phê duyệt, UBND cấp tỉnh trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.

4. Hỗ trợ người điều trị Covid-19, cách ly y tế

Đối tượng hỗ trợ

Trẻ em (người dưới 16 tuổi theo quy định của Luật Trẻ em); người cao tuổi, người khuyết tật theo quy định tại khoản 5 và khoản 6 Điều 5 của Nghị định 20/2021/NĐ-CP (sau đây gọi chung là người cao tuổi, người khuyết tật) và người điều trị do nhiễm COVID-19 (F0) hoặc cách ly y tế để phòng, chống COVID-19 (F1) theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền.

Hồ sơ đề nghị hỗ trợ

(1) Hồ sơ đề nghị hỗ trợ đối với các trường hợp F0 điều trị tại cơ sở y tế gồm:

– Danh sách F0 đủ điều kiện hưởng chính sách theo Mẫu số 8a.

– Giấy ra viện hoặc giấy chứng tử của cơ sở y tế hoặc văn bản xác nhận của cơ sở y tế.

– Bản sao một trong các giấy tờ sau: Giấy chứng sinh, giấy khai sinh, hộ chiếu, chứng minh nhân dân, thẻ căn cước công dân, thẻ bảo hiểm y tế, giấy xác nhận mức độ khuyết tật. Đối với trường hợp mất hoặc không mang theo các giấy tờ trên thì thay thế bằng giấy cam kết chịu trách nhiệm về thông tin của F0, cha hoặc mẹ hoặc người chăm sóc trẻ em cung cấp cho cơ sở y tế.

(2) Hồ sơ đề nghị hỗ trợ đối với các trường hợp F1 thực hiện cách ly y tế tại cơ sở cách ly gồm:

– Danh sách F1 đủ điều kiện hưởng chính sách theo Mẫu số 8a.

– Quyết định của cơ quan có thẩm quyền về việc cách ly y tế.

– Bản sao một trong các giấy tờ sau: Giấy chứng sinh, giấy khai sinh, hộ chiếu, chứng minh nhân dân, thẻ căn cước công dân, thẻ bảo hiểm y tế, giấy xác nhận mức độ khuyết tật. Đối với trường hợp mất hoặc không mang theo các giấy tờ trên thì thay thế bằng giấy cam kết chịu trách nhiệm về thông tin của F1, cha hoặc mẹ hoặc người chăm sóc trẻ em cung cấp cho cơ sở cách ly.

(3) Hồ sơ đề nghị hỗ trợ đối với F0 đã kết thúc điều trị tại cơ sở y tế trước ngày 07/7/2021 gồm:

– Giấy ra viện.

– Biên nhận thu tiền ăn tại cơ sở y tế đã điều trị.

– Bản sao một trong các giấy tờ sau: Giấy chứng sinh, giấy khai sinh, hộ chiếu, chứng minh nhân dân, thẻ căn cước công dân, thẻ bảo hiểm y tế.

(4) Hồ sơ đề nghị hỗ trợ đối với F1 đã kết thúc cách ly tại cơ sở cách ly trước ngày Quyết định này có hiệu lực thi hành, F1 cách ly tại nhà, F0 điều trị tại nhà gồm:

– Văn bản của UBND cấp huyện hoặc cấp xã hoặc của cơ quan y tế về việc cách ly y tế tại cơ sở cách ly, cách ly tại nhà hoặc điều trị tại nhà.

– Giấy xác nhận hoàn thành việc cách ly đối với F1 đã kết thúc cách ly tại cơ sở cách ly trước ngày 07/7/2021 hoặc cách ly tại nhà; xác nhận hoàn thành điều trị tại nhà hoặc xác nhận thời gian điều trị tại nhà đối với F0.

– Bản sao một trong các giấy tờ sau: Giấy chứng sinh, giấy khai sinh, hộ chiếu, chứng minh nhân dân, thẻ căn cước công dân, thẻ bảo hiểm y tế, giấy xác nhận mức độ khuyết tật.

– Phiếu thu hoặc biên lai hoặc giấy xác nhận thu tiền ăn tại cơ sở cách ly đối với F1 đã kết thúc cách ly tại cơ sở cách ly trước ngày Quyết định này có hiệu lực thi hành.

Trình tự, thủ tục thực hiện

– Đối với trường hợp đang điều trị, cách ly tại cơ sở y tế, cơ sở cách ly:

Cơ sở y tế, cơ sở cách ly căn cứ vào hồ sơ quy định tại khoản (1), (2) lập danh sách (theo Mẫu số 08a, 8b) đối với các trường hợp F0, F1 đủ điều kiện hưởng chính sách gửi UBND cấp tỉnh. Thời hạn tiếp nhận hồ sơ chậm nhất đến hết ngày 31/3/2022.

– Đối với trường hợp F0 đã kết thúc điều trị trước ngày 07/7/2021, F1 đã hoàn thành cách ly tại cơ sở cách ly trước ngày Quyết định này có hiệu lực thi hành, F1 cách ly tại nhà đã hoàn thành cách ly, F0 điều trị tại nhà đã kết thúc điều trị:

Cha, mẹ hoặc người giám hộ hợp pháp của trẻ em, người cao tuổi, người khuyết tật, các trường hợp F0, F1 gửi hồ sơ quy định tại khoản (3), (4) tới UBND cấp xã nơi cư trú. Thời hạn tiếp nhận hồ sơ chậm nhất đến hết ngày 31/01/2022.

Trước ngày 05 và ngày 20 hằng tháng, UBND cấp xã tổng hợp, lập danh sách (Mẫu số 8a, 8b) đối với các trường hợp F0, F1 đủ điều kiện hưởng chính sách, gửi UBND cấp huyện.

Trong 02 ngày làm việc, UBND cấp huyện tổng hợp, trình Chủ tịch UBND cấp tỉnh.

– Trong 02 ngày làm việc kể từ ngày nhận được đủ hồ sơ của cơ sở y tế, cơ sở cách ly hoặc UBND cấp huyện, UBND cấp tỉnh phê duyệt danh sách và chỉ đạo thực hiện chi trả hỗ trợ. Trường hợp không phê duyệt, UBND cấp tỉnh trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.

5. Đối với viên chức hoạt động nghệ thuật (Xem thêm tại đây)

6. Đối với hướng dẫn viên du lịch (Xem thêm tại đây)

7. Hỗ trợ hộ kinh doanh

Đối tượng, điều kiện hỗ trợ

*Đối với hộ kinh doanh có đăng ký kinh doanh và có trong danh bạ của cơ quan thuế

Hộ kinh doanh được hỗ trợ khi có đủ các điều kiện sau:

– Có đăng ký kinh doanh và có trong danh bạ của cơ quan thuế.

– Phải dừng hoạt động từ 15 ngày liên tục trở lên do yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền để phòng, chống dịch COVID-19 hoặc do có địa điểm kinh doanh trên địa bàn thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch theo nguyên tắc của Chỉ thị 16 hoặc phải áp dụng biện pháp không hoạt động/ngừng hoạt động theo Nghị quyết 128 trong thời gian từ ngày 01/5/2021 đến hết ngày 31/12/2021.

*Đối với hộ kinh doanh sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp, làm muối và những người bán hàng rong, quà vặt, buôn chuyến, kinh doanh lưu động, kinh doanh thời vụ, làm dịch vụ có thu nhập thấp không phải đăng ký hộ kinh doanh

Căn cứ quy định tại Điều 3 Nghị định 39/2007/NĐ-CP, Điều 79 Nghị định 01/2021/NĐ-CP và tình hình, điều kiện cụ thể của địa phương, các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương quy định tiêu chí xác định đối tượng đang hoạt động trên địa bàn địa phương quản lý, hồ sơ, thủ tục hỗ trợ trên cơ sở bảo đảm các nguyên tắc sau:

– Phải dừng hoạt động từ 15 ngày liên tục trở lên do yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền để phòng, chống dịch COVID-19 hoặc do có địa điểm kinh doanh trên địa bàn thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch theo nguyên tắc của Chỉ thị 16 hoặc phải áp dụng biện pháp không hoạt động/ngừng hoạt động theo Nghị quyết 128 trong thời gian từ ngày 01/5/2021 đến hết ngày 31/12/2021.

– Hỗ trợ 01 lần với mức 3.000.000 đồng/hộ.

– Không áp dụng đối với những trường hợp đã được địa phương quy định là đối tượng được hỗ trợ theo chính sách tại điểm 12 Mục II Nghị quyết 68/NQ-CP (lao động tự do).

Hồ sơ, trình tự, thủ tục

– Hộ kinh doanh gửi đề nghị hỗ trợ theo Mẫu số 11 đến UBND cấp xã nơi có địa điểm kinh doanh. Thời hạn tiếp nhận hồ sơ chậm nhất đến hết ngày 31/01/2022.

– Trong 03 ngày làm việc, UBND cấp xã xác nhận về việc tạm ngừng kinh doanh của hộ kinh doanh; niêm yết công khai; tổng hợp, báo cáo gửi Chi cục Thuế.

– Trong 02 ngày làm việc, Chi cục Thuế chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan thẩm định, gửi UBND cấp huyện tổng hợp.

– Trong 02 ngày làm việc, UBND cấp huyện rà soát, tổng hợp, trình UBND cấp tỉnh.

– Trong 02 ngày làm việc, UBND cấp tỉnh ban hành quyết định phê duyệt danh sách và kinh phí hỗ trợ; đồng thời chỉ đạo thực hiện hỗ trợ. Trường hợp không hỗ trợ, UBND cấp tỉnh thông báo bằng văn bản và nêu rõ lý do.

8. Hỗ trợ NLĐ và người sử dụng lao động tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất

Đối tượng, điều kiện

– Người sử dụng lao động đã đóng đủ BHXH hoặc đang tạm dừng đóng vào Quỹ hưu trí và tử tuất đến hết tháng 01/2021 mà bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19 dẫn đến phải giảm từ 10% số lao động tham gia BHXH trở lên tại thời điểm nộp hồ sơ đề nghị so với tháng 01/2021. Số lao động tham gia BHXH tính giảm bao gồm:

+ Số lao động chấm dứt HĐLĐ, hợp đồng làm việc theo quy định của pháp luật trừ đi số lao động mới giao kết HĐLĐ, hợp đồng làm việc trong khoảng thời gian từ ngày 01/02/2021 đến ngày người sử dụng lao động có văn bản đề nghị.

+ Số lao động đang tạm hoãn thực hiện HĐLĐ mà thời gian tạm hoãn thực hiện HĐLĐ từ 14 ngày làm việc trở lên trong tháng.

+ Số lao động đang nghỉ việc không hưởng tiền lương mà thời gian nghỉ việc không hưởng tiền lương từ 14 ngày làm việc trở lên trong tháng.

+ Số lao động đang ngừng việc mà thời gian ngừng việc từ 14 ngày làm việc trở lên trong tháng.

– Số lao động tham gia BHXH tính giảm nêu trên chỉ bao gồm người làm việc theo hợp đồng làm việc, HĐLĐ không xác định thời hạn, HĐLĐ xác định thời hạn từ đủ 01 tháng trở lên, người quản lý doanh nghiệp, người quản lý điều hành hợp tác xã có hưởng tiền lương; không bao gồm NLĐ nghỉ việc hưởng lương hưu từ ngày 01/02/2021.

Trình tự, thủ tục thực hiện

– Trong thời gian từ ngày 01/7/2021 đến hết ngày 30/6/2022, người sử dụng lao động nộp văn bản đề nghị theo Mẫu số 01 cho cơ quan BHXH nơi đang tham gia BHXH, đồng thời gửi 01 bản cho Sở Lao động – Thương binh và Xã hội để theo dõi, giám sát.

– Trong 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được hồ sơ đề nghị của người sử dụng lao động, cơ quan BHXH có trách nhiệm xem xét, giải quyết tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất; trường hợp không giải quyết thì trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.

– Các trường hợp đề nghị tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất theo quy định tại Điều 16 Nghị định 115/2015/NĐ-CP thì trình tự, thủ tục thực hiện theo quy định tại Thông tư 59/2015/TT-BLĐTBXH.

PROFILE LHD LAW FIRM
Tags
0 bình luận trong bài viết này
Gửi bình luận
captcha

BÀI VIẾT LIÊN QUAN

+6888+

Khách hàng

+1689+

Dự án

+39+

Nhân sự

3+

Văn phòng