Nghĩa Vụ Thuế Của Cá Nhân Cư Trú Và Không Cư Trú

  • 16/08/2018
Việc quy định thuật ngữ cá nhân cư trú, không cư trú trong Luật thuế TNCN của Việt Nam nhằm đảm bảo quyền đánh thuế của Việt Nam được quy định trong nội dung của các Hiệp định tránh đánh thuế hai lần và phù hợp với thông lệ quốc tế khi xác định nghĩa vụ nộp thuế của đối tượng này.
Theo qui định tại khoản 2 điều 2 của Luật thuế TNCN thì:
Cá nhân cư trú là người đáp ứng một trong các điều kiện sau:
(a) Có mặt tại Việt Nam từ 183 ngày trở lên tính trong một năm dương lịch hoặc tính theo 12 tháng liên tục kể từ ngày đầu tiên có mặt tại Việt Nam;
(b) Có nơi ở thường xuyên tại Việt Nam, bao gồm: có nơi ở đăng ký thường trú, hoặc có nhà thuê để ở tại Việt Nam theo hợp đồng thuê có thời hạn.
Như vậy, một cá nhân không phân biệt nguồn gốc quốc tịch nếu đáp ứng các điều kiện trên là đối tượng cư trú để xác định nghĩa vụ thuế tại Việt nam. Cá nhân kê khai thu nhập phát sinh tại Việt nam và thu nhập phát sinh ngoài Việt nam.
Cá nhân không cư trú là người không đáp ứng điều kiện quy định đối với cá nhân cư trú. Cá nhân này chỉ phải kê khai thu nhập phát sinh tại Việt nam.
Ví dụ: Về xác định đối tượng cư trú và kê khai thu nhập theo hai tiêu thức:
1. Ông Y, quốc tịch Singapore là chuyên gia tư vấn cho Dự án X tại Việt Nam, năm 2009 ra – vào Việt Nam 4 lần, tổng số ngày có mặt tại Việt Nam là 190 ngày. Theo quy định của Luật thuế TNCN của Việt nam Ông Y được là đối tượng cư trú của Việt Nam. Do đó, Ông Y có nghĩa vụ kê khai, nộp thuế đối với thu nhập toàn cầu (tổng số thu nhập phát sinh tại Việt Nam và tại nước ngoài) tại Việt Nam trong năm 2009. Giả sử năm 2009 ông Y có thu nhập từ nhà đất phát sinh ở Singapore.
Căn cứ theo quy định tại khoản 1, Điều 6 (Thu nhập từ Bất động sản) và quy định tại khoản 1, Điều 13 (Lợi tức từ chuyển nhượng tài sản) Hiệp định thuế giữa Việt Nam và Singapore: Singapore có quyền đánh thuế đối với khoản thu nhập từ nhà đất của Ông Y trước. Do đó, Ông Y có nghĩa vụ kê khai và nộp thuế thu nhập phát sinh từ nhà đất (cho thuê và chuyển nhượng) tại Singapore trước khi kê khai, nộp thuế đối với khoản thu nhập này tại Việt Nam.
Ông Y đã kê khai và nộp thuế đối với khoản thu nhập từ nhà đất ở Singapore thì Ông Y sẽ được khấu trừ số thuế đã nộp đối với khoản thu nhập này vào số thuế phải kê khai nộp thuế ở Việt Nam (tối đa không vượt quá phần thuế Việt Nam được tính trước khi cho phép khấu trừ, phân bổ trên phần thu nhập đó).
2. Bà M, quốc tịch Việt Nam có nhà riêng tại Hà Nội, năm 2009 được cử đến làm việc tại văn phòng đại diện tại Singapore trong thời gian 2 năm. Như vậy, Bà M là đối tượng cư trú của Singapore và có nghĩa vụ kê khai và nộp thuế tại Singapore đối với thu nhập tại Singapore và tại Việt nam. Tuy nhiên, do Bà M có nhà riêng tại Việt Nam được sử dụng để cho thuê và có thu nhập nên Việt Nam có quyền thu thuế trước đối với thu nhập mà Bà M thu được từ việc cho thuê nhà (khoản 1, Điều 6 của Hiệp định thuế giữa Việt Nam và Singapore– Thu nhập từ Bất động sản). Do vậy, Bà M có nghĩa vụ kê khai, nộp thuế đối với khoản thu nhập từ cho thuê nhà riêng tại Việt Nam trước khi kê khai, nộp thuế đối với khoản thu nhập này tại Singapore. Khi đó, Bà M sẽ được khấu trừ số thuế đã nộp tại Việt Nam vào số thuế phải kê khai nộp thuế ở Singapore (tối đa không vượt quá số thuế phải nộp tại Singapore).
3. Ông H người Nhật Bản trong năm 2009 vào Việt Nam tư vấn cho các dự án đầu tư và nhận được thu nhập từ các dự án này, tổng số ngày có mặt tại Việt Nam là 150 ngày. Trường hợp này ông H là người không cư trú tại Việt Nam nên chỉ nộp thuế đối với thu nhập phát sinh tại Việt Nam.
Theo VTCA
PROFILE LHD LAW FIRM
0 bình luận trong bài viết này
Gửi bình luận
captcha

BÀI VIẾT LIÊN QUAN

+6888+

Khách hàng

+1689+

Dự án

+39+

Nhân sự

3+

Văn phòng