- Hiệu lực: Còn hiệu lực
- Ngày có hiệu lực: 01/07/2021
QUỐC HỘI
Số: 130/2020/QH14
|
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Hà Nội, ngày 13 tháng 11 năm 2020
|
NGHỊ QUYẾT
VỀ THAM GIA LỰC LƯỢNG GÌN GIỮ HÒA BÌNH CỦA LIÊN HỢP QUỐC
QUỐC HỘI
Căn cứ Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam;
Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật số 80/2015/QH13;
QUYẾT NGHỊ:
Chương I
QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
Nghị quyết này quy định về nguyên tắc, hình thức, lĩnh vực, lực lượng, thẩm quyền, quy trình triển khai lực lượng, kinh phí bảo đảm, chế độ, chính sách và quản lý nhà nước đối với việc tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc.
Điều 2. Đối tượng áp dụng
1. Sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, hạ sĩ quan, binh sĩ và đơn vị thuộc Bộ Quốc phòng; sĩ quan, hạ sĩ quan nghiệp vụ, chuyên môn kỹ thuật, chiến sĩ và đơn vị thuộc Bộ Công an được cử tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc.
2. Cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan đến việc tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc.
Điều 3. Giải thích từ ngữ
Trong Nghị quyết này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:
1. Lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc là lực lượng của các nước thành viên Liên hợp quốc được cử tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc nhằm mục đích duy trì, gìn giữ hòa bình, an ninh ở quốc gia và khu vực xảy ra xung đột trên thế giới, được thực hiện theo nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc và đặt dưới sự quản lý của Liên hợp quốc.
2. Phái bộ gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc (sau đây gọi là phái bộ) là tổ chức được thành lập theo nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, với sự đồng thuận của chính phủ và các bên liên quan, do Liên hợp quốc quản lý và điều hành, nhằm duy trì, gìn giữ hòa bình, an ninh ở quốc gia nơi triển khai phái bộ.
3. Lực lượng Việt Nam tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc (sau đây gọi là lực lượng Việt Nam) bao gồm cá nhân, đơn vị và vũ khí, trang bị, phương tiện thuộc Bộ Quốc phòng, Bộ Công an được giao thực hiện nhiệm vụ tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc.
4. Tiền bồi hoàn của Liên hợp quốc là khoản tiền mà Liên hợp quốc chi trả Chính phủ Việt Nam cho việc lực lượng Việt Nam tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc.
5. Cử mới là việc cử lực lượng Việt Nam tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc ở vị trí mới, địa bàn mới hoặc lĩnh vực mới.
6. Cử luân phiên, thay thế là việc cử lực lượng khác thay lực lượng đang thực hiện nhiệm vụ gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc theo định kỳ hoặc đột xuất
Điều 4. Nguyên tắc tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc
1. Đặt dưới sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng Cộng sản Việt Nam; quyết định của Hội đồng Quốc phòng và An ninh; sự thống lĩnh của Chủ tịch nước và quản lý nhà nước của Chính phủ.
2. Tuân thủ Hiến pháp và pháp luật Việt Nam; phù hợp với Hiến chương Liên hợp quốc, pháp luật quốc tế, điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.
3. Bảo đảm độc lập, tự chủ, hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển; phù hợp với lợi ích quốc gia, dân tộc, điều kiện và khả năng của Việt Nam; tôn trọng chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của các quốc gia.
4. Chỉ tham gia hoạt động hỗ trợ khắc phục hậu quả chiến tranh, duy trì hòa bình sau xung đột, vì mục đích nhân đạo trên cơ sở đề nghị của Liên hợp quốc.
5. Chỉ triển khai ở quốc gia, khu vực đã được Liên hợp quốc thành lập phái bộ và tại các cơ quan của Liên hợp quốc.
Điều 5. Hình thức và lĩnh vực tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc
1. Hình thức tham gia bao gồm:
a) Cá nhân;
b) Đơn vị.
2. Lĩnh vực tham gia bao gồm:
a) Tham mưu;
b) Hậu cần;
c) Kỹ thuật;
d) Thông tin, liên lạc;
đ) Công binh;
e) Quân y;
g) Cảnh sát;
h) Kiểm soát quân sự;
i) Quan sát viên quân sự;
k) Quan sát viên và giám sát bầu cử;
l) Các lĩnh vực khác do Hội đồng Quốc phòng và An ninh quyết định.
Điều 6. Xử lý vi phạm, giải quyết tranh chấp, khiếu nại
1. Cá nhân, đơn vị Việt Nam vi phạm pháp luật Việt Nam, pháp luật nước sở tại và quy định của Liên hợp quốc trong thời gian tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc bị xử lý theo quy định của pháp luật Việt Nam và quy định của Liên hợp quốc.
2. Việc giải quyết tranh chấp, khiếu nại giữa lực lượng Việt Nam với Liên hợp quốc hoặc bên thứ ba trong thời gian tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc thực hiện theo thỏa thuận giữa Việt Nam và Liên hợp quốc.
Chương II
LỰC LƯỢNG VIỆT NAM THAM GIA HOẠT ĐỘNG GÌN GIỮ HÒA BÌNH LIÊN HỢP QUỐC
Điều 7. Nhiệm vụ, quyền hạn của cá nhân, đơn vị tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc
1. Cá nhân, đơn vị tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc có nhiệm vụ sau đây:
a) Thực hiện nhiệm vụ thuộc lĩnh vực tham gia do cấp có thẩm quyền của Liên hợp quốc giao theo thỏa thuận giữa Việt Nam và Liên hợp quốc;
b) Tham mưu cho cấp có thẩm quyền của Việt Nam về nâng cao năng lực tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc và các lĩnh vực khác có liên quan;
c) Bảo vệ vị thế và uy tín của Việt Nam; phát huy giá trị lịch sử, văn hóa, hình ảnh đất nước, con người Việt Nam; tôn trọng pháp luật, chính quyền, người dân và văn hóa, phong tục tập quán ở quốc gia, khu vực nơi lực lượng Việt Nam tham gia;
d) Thực hiện nhiệm vụ khác do cấp có thẩm quyền của Việt Nam giao.
2. Cá nhân, đơn vị tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc có quyền hạn sau đây:
a) Sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ, trang bị, thiết bị, phương tiện của Việt Nam và Liên hợp quốc được giao theo quy định để thực hiện nhiệm vụ;
b) Quyền hạn khác theo quy định của pháp luật Việt Nam, quy định của Liên hợp quốc và thỏa thuận giữa Việt Nam và Liên hợp quốc.
Điều 8. Xây dựng lực lượng
1. Bộ Quốc phòng chủ trì, phối hợp với Bộ Công an và Bộ, ngành có liên quan lập kế hoạch trung hạn và dài hạn về xây dựng lực lượng Việt Nam tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.
2. Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Bộ trưởng Bộ Công an quy định biên chế, tổ chức đơn vị và tiêu chuẩn lực lượng thuộc thẩm quyền quản lý để tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc.
3. Bộ Quốc phòng, Bộ Công an tuyển chọn, đào tạo, huấn luyện cho cá nhân, đơn vị tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc về chuyên môn, nghiệp vụ, chính trị, pháp luật, ngoại ngữ phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ, lĩnh vực, địa bàn và giới tính.
Điều 9. Chỉ huy trưởng lực lượng Việt Nam tại phái bộ
1. Lực lượng Việt Nam tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc tại mỗi phái bộ có Chỉ huy trưởng.
2. Trường hợp phái bộ chỉ có lực lượng thuộc Bộ Quốc phòng hoặc Bộ Công an tham gia, người chỉ huy cao nhất của lực lượng đó là Chỉ huy trưởng lực lượng Việt Nam.
3. Trường hợp phái bộ có lực lượng thuộc Bộ Quốc phòng và Bộ Công an tham gia, người chỉ huy cao nhất của lực lượng thuộc Bộ Quốc phòng là Chỉ huy trưởng lực lượng Việt Nam.
4. Chính phủ quy định nhiệm vụ, quyền hạn của Chỉ huy trưởng lực lượng Việt Nam tại phái bộ.
Điều 10. Trang phục, trang bị của lực lượng Việt Nam
1. Trong thời gian tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc, lực lượng Việt Nam sử dụng trang phục theo quy định của Liên hợp quốc.
2. Cá nhân, đơn vị tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc được giao quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ, trang bị, thiết bị, phương tiện và vật chất cần thiết khác để thực hiện nhiệm vụ.
3. Việc quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ trong thời gian tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc thực hiện theo quy định của pháp luật Việt Nam, quy định của Liên hợp quốc, điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.
4. Chính phủ quy định màu sắc, dấu hiệu nhận biết riêng đối với trang bị, phương tiện được sử dụng huấn luyện và triển khai thực hiện nhiệm vụ.
Chương III
THẨM QUYỀN, QUY TRÌNH TRIỂN KHAI LỰC LƯỢNG VIỆT NAM
Điều 11. Thẩm quyền quyết định việc cử, điều chỉnh, rút lực lượng Việt Nam
Hội đồng Quốc phòng và An ninh quyết định việc cử, điều chỉnh, rút lực lượng Việt Nam tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc.
Điều 12. Quy trình cử mới, điều chỉnh, rút lực lượng Việt Nam
1. Bộ Quốc phòng chủ trì, phối hợp với Bộ Công an báo cáo Chính phủ trình Hội đồng Quốc phòng và An ninh quyết định chủ trương cử mới, điều chỉnh, rút lực lượng Việt Nam.
2. Căn cứ quyết định của Hội đồng Quốc phòng và An ninh, Bộ Quốc phòng chủ trì, phối hợp với Bộ Công an báo cáo Chính phủ trình Chủ tịch nước, Chủ tịch Hội đồng Quốc phòng và An ninh ban hành quyết định việc cử mới, điều chỉnh, rút lực lượng Việt Nam.
3. Căn cứ quyết định của Chủ tịch nước, Chủ tịch Hội đồng Quốc phòng và An ninh, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Bộ trưởng Bộ Công an quyết định lực lượng cụ thể theo thẩm quyền.
4. Chính phủ quy định chi tiết việc báo cáo của Bộ Quốc phòng, Bộ Công an tại khoản 1 và khoản 2 Điều này.
Điều 13. Quy trình cử luân phiên, thay thế
1. Hằng năm, Bộ Quốc phòng chủ trì, phối hợp với Bộ Công an báo cáo Chính phủ trình Hội đồng Quốc phòng và An ninh kế hoạch cử lực lượng luân phiên, thay thế.
2. Căn cứ quyết định của Hội đồng Quốc phòng và An ninh, Bộ Quốc phòng chủ trì, phối hợp với Bộ Công an báo cáo Chính phủ trình Chủ tịch nước, Chủ tịch Hội đồng Quốc phòng và An ninh ban hành quyết định việc cử lực lượng luân phiên, thay thế.
3. Căn cứ quyết định của Chủ tịch nước, Chủ tịch Hội đồng Quốc phòng và An ninh, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Bộ trưởng Bộ Công an quyết định lực lượng cụ thể từng đợt luân phiên, thay thế theo thẩm quyền.
4. Chính phủ quy định chi tiết việc báo cáo của Bộ Quốc phòng, Bộ Công an tại khoản 1 và khoản 2 Điều này.
Chương IV
KINH PHÍ BẢO ĐẢM VÀ CHẾ ĐỘ, CHÍNH SÁCH
Điều 14. Kinh phí bảo đảm
1. Ngân sách nhà nước bảo đảm kinh phí cho việc tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc và bồi thường thiệt hại cho Liên hợp quốc hoặc bên thứ ba do lỗi của lực lượng Việt Nam.
2. Tiền bồi hoàn của Liên hợp quốc, các nguồn hỗ trợ hợp pháp được nộp vào ngân sách nhà nước và quản lý, sử dụng theo quy định của pháp luật.
3. Chính phủ quyết định việc bồi thường thiệt hại do lỗi của lực lượng Việt Nam gây ra.
Điều 15. Chế độ, chính sách
1. Cá nhân, đơn vị trực tiếp và gián tiếp tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc được hưởng chế độ, chính sách phù hợp với tính chất nhiệm vụ và đặc thù của hoạt động theo quy định của Chính phủ.
2. Trong thời gian tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc, cá nhân, đơn vị có thành tích trong thực hiện nhiệm vụ được khen thưởng theo quy định của pháp luật Việt Nam và quy định của Liên hợp quốc; Bộ Quốc phòng, Bộ Công an có chính sách ưu tiên bố trí, sử dụng cá nhân sau khi hoàn thành nhiệm vụ tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc.
3. Cá nhân bị thương, bị bệnh, bị tai nạn hoặc hy sinh, từ trần trong khi thực hiện nhiệm vụ tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc được hưởng chế độ, chính sách theo quy định của pháp luật Việt Nam và quy định của Liên hợp quốc.
Chương V
QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC
Điều 16. Nội dung quản lý nhà nước
1. Ban hành văn bản quy phạm pháp luật về tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc.
2. Xây dựng và tổ chức thực hiện đề án, kế hoạch về việc tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc.
3. Tổ chức chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc.
4. Tuyên truyền, phổ biến pháp luật về tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc.
5. Kiểm tra, thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo, sơ kết, tổng kết, khen thưởng, xử lý vi phạm trong lĩnh vực gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc.
6. Hợp tác quốc tế trong lĩnh vực gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc.
Điều 17. Nhiệm vụ, quyền hạn của Chính phủ, Bộ, cơ quan ngang Bộ
1. Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước đối với việc tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc.
2. Bộ Quốc phòng giúp Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước đối với việc tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc và có nhiệm vụ, quyền hạn sau đây:
a) Chủ trì, phối hợp với Bộ, cơ quan ngang Bộ xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, đề án, kế hoạch thực hiện việc tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc trình cấp có thẩm quyền quyết định hoặc quyết định theo thẩm quyền;
b) Quản lý, chỉ huy, chỉ đạo Cục Gìn giữ hòa bình Việt Nam thực hiện việc điều phối quốc gia về tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc và nhiệm vụ, quyền hạn liên quan khác được giao;
c) Xây dựng, quản lý, chỉ huy, điều hành lực lượng Việt Nam tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc thuộc thẩm quyền.
3. Bộ, cơ quan ngang Bộ có nhiệm vụ, quyền hạn sau đây:
a) Bộ Công an xây dựng, quản lý, chỉ huy, điều hành lực lượng Công an tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc;
b) Bộ Ngoại giao tham mưu cho Chính phủ về các vấn đề đối ngoại liên quan đến việc tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc;
c) Bộ, cơ quan ngang Bộ, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, phối hợp với Bộ Quốc phòng tham mưu cho Chính phủ trong thực hiện quản lý nhà nước đối với việc tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc.
Chương VI
ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
Điều 18. Hiệu lực thi hành
Nghị quyết này có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 7 năm 2021.
Nghị quyết này được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XIV, kỳ họp thứ 10 thông qua ngày 13 tháng 11 năm 2020.
|
|||
Chủ tịch Quốc hội |
|||
(Đã ký) |
|||
Nguyễn Thị Kim Ngân |
Có 0 bình luận trong bài viết này