Thị Trường Chứng Khoán Việt Nam Liệu Có Sụp Đổ

  • 16/08/2018

Thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam đã tăng hơn 300% nếu tính từ thời điểm 4/2006 và hiện nay, trong bối cảnh TTCK Trung Quốc và các TTCK lớn khác trên thế giới như Mỹ, Nhật, Singapore đều đang cho thấy sự sụt giảm mạnh, thì câu hỏi đặt ra với đa số các nhà đầu tư Việt Nam là: "Liệu TTCK Việt Nam có sụp đổ?" Với tư cách là một người chơi chứng khoán (thay vì tư cách một Nghiên cứu sinh về Kinh tế phát triển), người viết muốn chia sẻ với bạn đọc suy nghĩ, nhận định và tâm lý của cá nhân người chơi chứng khoán nói riêng và có lẽ của giới đầu tư chứng khoán ở Việt Nam hiện tại nói chung về sự phát triển của TTCK Việt Nam trong thời gian ngắn hạn tới. Câu trả lời cho câu hỏi ở trên là: trong ít nhất 6 tháng tới, TTCK Việt Nam chưa thể sụp đổ!

TTCK Việt Nam đã tăng hơn 100% tính từ thời điểm ngày 20/11, kể từ chuyến thăm của Tổng thống Mỹ G.W.Bush tới trung tâm giao dịch chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh. Không phải chỉ khi các đợt sụt giảm mạnh liên tiếp xảy ra trên TTCK Trung Quốc và các TTCK chủ chốt khác trên thế giới trong những ngày cuối tháng 2 và đầu tháng 3 này, người đầu tư chứng khoán mới lo lắng và thấp thỏm về việc khi nào TTCK Việt Nam cũng sẽ sụp đổ (!), mà bản thân tâm lý thấp thỏm này đã luôn thường trực trong mỗi người chơi chứng khoán kể từ khi VnIndex vượt 800 điểm!

Đến thời điểm hiện tại, có thể khẳng định rằng, đa số (nếu không phải là tất cả) những người chơi chứng khoán quốc tịch Việt Nam đều là những nhà đầu cơ, thay vì là nhà đầu tư, bởi đa số (nếu không phải là tất cả) đều có tâm lý: giá cổ phiếu niêm yết trên sàn hiện đã quá cao, đã đạt lợi nhuận kỳ vọng, và nếu không phải lúc thị trường đang “sốt” như hiện nay, thì sẽ không có cái giá cao như vậy trong tương lai 2,3 năm nữa!

Chính vì thế, tất cả các khoản đầu tư vào những công ty cho dù là tốt nhất, lành mạnh nhất, cũng sẽ nhanh chóng được bán ra ngay lập tức để thu lãi, bởi đơn giản, khi thị trường sụp đổ, những công ty lành mạnh nhất sẽ không phá sản, nhưng giá cổ phiếu của những công ty này chắc chắn cũng sẽ tuột dốc không phanh, và không gấp 20, 30 hay thậm chí hơn 60 lần mệnh giá như hiện nay!

Thử hỏi nếu những công ty đó trả cổ tức thậm chí 80%/năm (tức 8000 đồng cho một cổ phiếu 600 nghìn đồng) thì đến bao giờ mới hoàn được tiền đầu tư vào cổ phiếu đó! Trong giai đoạn thị trường ổn định, giá cổ phiếu gấp 5-6 lần mệnh giá cũng được cho là quá hấp dẫn! (Cứ thử tưởng tượng khi ngày đó xảy ra, bạn có sẵn lòng trả giá 100 nghìn/1 cổ phiếu – mức giá được coi là trung bình hiện nay hay không? cho công ty tốt vào loại nhất trên sàn!!! Với mức giá này, bạn sẵn lòng giữ cổ phiếu trong bao nhiêu lâu? Bao nhiêu năm?!)

Thế nên, vấn đề mà tất cả những người chơi chứng khoán, đặc biệt là những người đã chơi lâu năm, quan tâm, là liệu khi nào TTCK Việt Nam sẽ “sụp đổ”! Nó đã “boom” và chắc chắn là nó sẽ phải “bust”! Vấn đề là khi nào?

Hiện tại, lượng tài khoản chứng khoán đang tiếp tục được ồ ạt mở tại các công ty chứng khoán cả có uy tín lâu năm lẫn cả những công ty mới chào đời được vài ngày, số tài khoản có quy mô tương đối lớn (từ vài trăm triệu đến vài tỷ) tăng mạnh.[1] Hiện tượng này khiến cho tình cảnh trên TTCK hiện nay giống như “cá ở trong lồng thì cuống quít muốn ra, cá ở ngoài lồng thì cứ húc đầu chui vào”! Người ở trong thì kêu “nóng lắm, nóng lắm rồi” và khi đã “chạy” được hết cổ phiếu rồi thì quay lại hò hét thị trường “sập”, thế nhưng, chạy hết rồi (như đợt trước Tết và sau đó là vài ngày trước 1/3/2007, thấy TTCK không sập như mình nghĩ mà vẫn tiếp tục “xanh lè” thì trong lòng lại âm ỉ, cắn rứt, tiếc nuối! Và 99,9% là sẽ rồi lại tiếp tục đầu tư vào TTCK!

Có thể thấy, cũng giống như các TTCK khác trước khi “ngày thứ mấy” “đen tối” đó diễn ra, tiền phần lớn không ra khỏi TTCK mà tiếp tục quay vòng trở lại thị trường. Bởi đơn giản là, không đầu tư vào đâu lãi như vào TTCK hiện tại, và nói như K.Mark: nếu lợi nhuận hơn 300% thì có treo cổ cũng vẫn làm! Sức hấp dẫn của TTCK là quá lớn, và không ai vào lúc này, lại để tiền trong gậm giường, bởi có thể, chỉ trong 1 tháng, lãi suất đã là 100%. Nên những người đã bán cổ phiếu đi trong mấy ngày vừa qua, chắc chắn sẽ đầu tư lại vào TTCK trong những ngày sắp tới, khi thị trường không những không cho thấy dấu hiệu đi xuống mà trái lại, tiếp tục đi lên.

Sở dĩ có số lượng tài khoản mới tiếp tục tăng ồ ạt trong thời gian vừa qua và cả trong thời gian tới nữa, sở dĩ các nhà đầu tư sẽ tiếp tục bỏ nhiều tiền vào TTCK Việt Nam trong ngắn hạn, ít nhất trong 6 tháng tới, là vì, gần như tất cả đều tin tưởng: TTCK Việt Nam sẽ không thể “sập” trong ít nhất 6 tháng tới đây. Một số nguyên nhân chính, trụ đỡ cho TTCK Việt Nam trong ít nhất 6 tháng tới, khiến TTCK Việt Nam không sụp đổ là:

Nguyên nhân chính nhất trong các nguyên nhân là Việt Nam chưa cổ phần hóa các Tổng công ty mạnh nhất, trong những lĩnh vực then chốt và nóng bỏng nhất.

TTCK Trung Quốc không có trụ đỡ này, do đó, chỉ kết quả kinh doanh sẽ không thể đảm bảo an toàn cho TTCK Trung Quốc trong giai đoạn bùng nổ vừa qua. Cho đến thời điểm hiện tại, Việt Nam mới chỉ cổ phần hóa một Tổng công ty duy nhất là Tổng công ty Xuất nhập khẩu Xây dựng Việt Nam (Vinaconex). Các lĩnh vực yết hầu của nền kinh tế như tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, viễn thông…, chưa hề được cổ phần hóa và sẽ bắt đầu được cổ phần hóa trong năm 2007; trong đó đặc biệt quan trọng nhất là bán đấu giá cổ phần của Ngân hàng ngoại thương Việt Nam (Vietcombank-VCB) (dự kiến thực hiện IPO vào đầu quý 3/2007, lên sàn trong nước năm 2007) và Ngân hàng đầu tư phát triển Việt Nam (BIDV) (dự kiến lên sàn quý 2 năm 2008)[2].

Ngân hàng tài chính, bảo hiểm là lĩnh vực trọng yếu nhất trong nền kinh tế, nắm được lĩnh vực ngân hàng là nắm được toàn bộ thông tin về các doanh nghiệp lớn nhất, mạnh nhất của đất nước. Vì thế, dễ hiểu là các tập đoàn tài chính ngân hàng của nước ngoài, vốn luôn có cái nhìn dài hạn, sẽ sẵn sàng trả giá rất cao để chiếm lĩnh được những ngân hàng quốc doanh trọng yếu như VCB hay BIDV.[3]

Đối với những tập đoàn đa quốc gia, điều căn bản mà họ coi trọng, rất khác với các nhà đầu tư cá nhân ở Việt Nam, hay các tổ chức đầu tư trong nước-cho dù muốn cũng không có đủ tiềm lực tài chính- là vấn đề thị phần. Chiếm được những ngân hàng quốc doanh này, tập đoàn tài chính nước ngoài sẽ rút ngắn được rất nhiều thời gian và công sức trong việc xâm nhập, chiếm lĩnh thị trường hơn 80 triệu dân dồi dào sức mua của Việt Nam. Họ thừa kiên nhẫn, và họ trường vốn. Thế nên có thể thấy, họ sẽ còn đổ nhiều tiền vào Việt Nam.[4]

Về phía Chính phủ, ít nhất trong 6 tháng trước mắt, Chính phủ cũng muốn TTCK tăng nóng, và sẽ không tìm cách hạn chế thị trường phát triển, thậm chí sẽ ra các cam kết đảm bảo thị trường không đổ vỡ, như đã thấy trong thời gian vừa qua, vì hai lý do cơ bản sau.

Thứ nhất, TTCK tăng nóng, giá IPO của các doanh nghiệp nhà nước (DNNN) được cổ phần hóa cũng tăng theo.[5] Do vậy, Chính phủ sẽ thu được một khoản “khổng lồ” về ngân sách một cách dễ dàng. Chính phủ cũng cần tiêu tiền, và trong thực tế, luôn luôn bị bội chi, nên không khi nào Chính phủ lại bỏ qua một nguồn thu hợp pháp và chính đáng đến thế! Điều còn gây tranh cãi rất lớn hiện nay là, nếu khoản chênh lệch khi bán bớt phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp cổ phần hóa được chuyển về ngân sách (Chính phủ hưởng) là điều hợp lý, thì khoản chênh lệch khi phát hành thêm cổ phần lần đầu, giảm tỷ trọng vốn nhà nước tại doanh nghiệp, như trường hợp Vinaconex và rất nhiều doanh nghiệp khác, không thể hoàn toàn thuộc về nhà nước (nhà nước không bán bớt mà vẫn giữ nguyên vốn đầu tư tại doanh nghiệp) mà phải để lại để doanh nghiệp tái đầu tư, và với tư cách là cổ đông, nhà nước cũng sẽ được hưởng lợi. Tuy nhiên, vấn đề này nằm ngoài phạm vi trao đổi của bài viết này.

Nói tóm lại, trong bất cứ trường hợp nào, Chính phủ cũng sẽ thu được khoản tiền lớn về cho túi tiền đang “thâm thủng” triền miên, và do đó, Chính phủ sẽ không tự đánh vào chân mình!

Nhưng, quan trọng hơn cả điều trên rất nhiều là lý do thứ hai: Chính phủ không muốn mất những doanh nghiệp “yết hầu” nhất vào tay các tập đoàn nước ngoài, đặc biệt là các doanh nghiệp tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, viễn thông. Với sức mua yếu kém của VND, chỉ cần vài tỷ đô la, nếu TTCK như giai đoạn trước năm 2005, các tập đoàn nước ngoài có thể mua cả nước Việt Nam! (thôn tính thông qua hoạt động kinh tế). Thực chất, như trên phân tích, các doanh nghiệp lớn nhất nước hiện nay, trong mọi ngành, mọi lĩnh vực, đều phụ thuộc rất lớn vào vốn vay ngân hàng để hoạt động sản xuất kinh doanh, do đó, tình hình tài chính, những điều cơ mật nhất của các doanh nghiệp trong nước, hệ thống ngân hàng nắm rất rõ.

Ngoài ra, với hệ thống viễn thông, hay bảo hiểm, tính chất cũng gần tương tự như vậy. Chính phủ nhận thức rất rõ điều này, do vậy, “room” ngân hàng sẽ được mở rất thận trọng, và trong thời gian trước mắt, các tập đoàn nước ngoài cần phải trả giá cao hơn rất nhiều lần, để có thể sở hữu một số nhỏ cổ phần của các ngân hàng Việt Nam.[6] Vì thế, bất cứ biện pháp nào từ Chính phủ có tác động mạnh đến sự phát triển của TTCK, ví dụ như đánh thuế thu nhập từ kinh doanh chứng khoán, cũng đều được cân nhắc kỹ và ít nhất sẽ không triển khai trong năm 2007. Các biện pháp Chính phủ đã và đang triển khai như thanh kiểm tra các hoạt động giao dịch nghi ngờ nội gián, đảm bảo hoạt động của các công ty chứng khoán minh bạch, tuân thủ các chuẩn mực và quy định của Nhà nước và phục vụ người chơi chứng khoán tốt hơn, kiểm soát và hạn chế các nguồn tín dụng chuyển sang hoạt động kinh doanh chứng khoán vv…đều rất cần thiết để lành mạnh hóa hoạt động của thị trường nhưng không nhằm mục đích “hạ nhiệt” thị trường.

Xét từ khía cạnh các doanh nghiệp đang niêm yết trên sàn, đối tượng được coi là đang bị định giá quá cao (!)

Có thể thấy rằng, hầu hết các doanh nghiệp trên sàn là những doanh nghiệp có hoạt động sản xuất kinh doanh rất tốt, so với mặt bằng chung của cả nước. Nhưng, như trên đã đề cập, cho dù có hoạt động tốt đến mấy, cổ tức trả cho nhà đầu tư vẫn sẽ rất nhỏ bé so với khỏan tiền bỏ ra để mua cổ phiếu. Đối với rất nhiều doanh nghiệp trong số này, theo quan điểm của người viết, giá cổ phíếu là bóng bóng! Hiện nay, chỉ cần doanh nghiệp công bố một thông tin nào mới, nghe hấp dẫn, là giá cổ phiếu đã tăng vù vù; cho dù thực tế từ ý tưởng đến triển khai dự án là cả một quá trình dài.

TTCK sẽ có thể sụp đổ dây chuyền, nếu một số những doanh nghiệp này không sử dụng hiệu quả đồng vốn vừa ồ ạt huy động thêm trong thời gian vừa qua. Tuy nhiên, vì Việt Nam chỉ vừa gia nhập WTO, tác động của việc gia nhập là chưa đáng kể từ nay đến cuối năm, các doanh nghiệp trên sàn chủ yếu hoạt động trong nước, và đa số vẫn được bảo hộ cao bởi hàng rào thuế quan trong những năm đầu mới gia nhập. Trong khi đó, với những doanh nghiệp xuất khẩu, chủ yếu là hàng nông-lâm-thủy sản, việc gia nhập WTO thậm chí trên lý thuyết còn tốt hơn cho những doanh nghiệp này khi Việt Nam chưa gia nhập WTO. Đối với những khỏan vốn mới huy động được bằng cách tăng vốn hay chia cổ phiếu thưởng (thực chất là giữ lại lợi nhuận), thì để đánh giá hiệu quả sử dụng đồng vốn, trong 6 tháng tới, sẽ không thể cho kết quả. Điều này có nghĩa là, chưa có dấu hiệu gì cảnh báo việc sử dụng vốn không hiệu quả trong ít nhất 6 tháng tới đối với các doanh nghiệp trên sàn.

Cuối cùng, về phía các tổ chức đầu tư tài chính nước ngoài, có thể khẳng định, nếu Việt Nam không có sự bất ổn về chính trị, hay bất cứ chính sách bất ổn nào dẫn đến việc buộc phải tháo chạy vốn trong vòng 6 tháng tới, họ sẽ không có chuyện rút vốn ồ ạt khỏi Việt Nam.

Đơn giản là nguồn vốn đầu tư tài chính gián tiếp của nước ngoài này vừa mới vào Việt Nam đáng kể nhất từ tháng 12/2006.[7] Việc họ cần phải làm thời gian tới là nêu những triển vọng sáng sủa về bức tranh Việt Nam để kêu gọi thêm vốn đầu tư và củng cố niềm tin vào tình hình đầu tư ở Việt Nam, thay vì nói với các ông chủ của họ ở Âu, Mỹ là rút vốn khỏi Việt Nam sau khi đầu tư vào vài ngày vì sợ nó sụp đổ!!!

Thực tế, nếu muốn, họ có thể làm cho TTCK Việt Nam sụp đổ! Nhưng họ không có động cơ để làm vậy, vì họ sẽ mất tiền, thực chất, đa phần họ là những người vào sau, và phần lãi của người chơi chứng khoán trên thị trường Việt Nam hiện nay là từ đây. Hành động mua bán của người nước ngoài luôn được theo dõi cẩn thận, khi thấy có bất cứ dấu hiệu nào bán tháo ồ ạt, sẽ không còn có lệnh mua vào của người Việt Nam. Tuy nhiên, cơ bản hơn, các tổ chức tài chính nước ngoài không phải những nhà đầu tư theo phong trào. Họ có chiến lược đầu tư và phân tích bài bản, đồng thời trường vốn! Mục tiêu của họ trong dài hạn sẽ vẫn là lợi nhuận, nhưng chưa hẳn là như vậy trong ngắn hạn. Họ đã biết và trực tiếp tham gia vào quá trình “boom” và “bust” ở nhiều TTCK trên thế giới, và họ có kinh nghiệm. Chính vì thế, hành động của các tổ chức này trong thời gian tới vẫn sẽ chủ yếu là mua vào, nhưng có sự xem xét thận trọng hơn danh mục đầu tư. TTCK Việt Nam tuy có tăng trưởng hơn 100% trong mấy tháng qua, nhưng xét về quy mô, TTCK Việt Nam vẫn cực kỳ nhỏ bé.[8]

Một điều tuy tản mạn nhưng người viết muốn chia sẻ với người chơi chứng khoán ở Việt Nam thay cho lời kết: người viết hiện đang ở Paris, và ở đây, tại nước Pháp này, tỷ lệ thất nghiệp rất cao. Sức mua của người tiêu dùng rất yếu, các cửa hàng mở cửa rất muộn và đóng cửa rất sớm. Trong khi trái lại, ở Việt Nam, dường như cái gì cũng có thể bán được, và dường như hàng hóa nào cũng có người mua. Mua bán nhộn nhịp trên khắp ngả đường, từ sáng sớm tới đêm khuya. Cơ hội đầu tư ở Pháp là rất ít, và rất khó khăn. Trong khi ở Việt Nam thì dường như ngược lại, dường như đầu tư vào đâu cũng kiếm được tiền, và lãi rất cao. Thế nên, tất yếu là vốn đầu tư từ những nước như Pháp, hay Mỹ, hay các nước khác ở Châu Âu sẽ chảy vào những nước như Việt Nam, hay Trung Quốc: nơi chính trị an toàn, môi trường kinh doanh ổn định (hoàn toàn ưu thế so với Thái Lan, Philipínes hay Indonesia trong thời điểm hiện nay), đông dân với sức mua ngày một tăng. Chính vì lý do này, điều dễ hiểu là tại sao các báo cáo của Ngân hàng Hồng Kông & Shanghai (HSBC), hay Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) hay mới đây là phát biểu của trưởng đại diện quỹ IMF tại Việt Nam đều chỉ dự báo một sự điều chỉnh giảm, sau khi đưa ra cảnh báo về việc giá cổ phiếu Việt Nam đắt đỏ nhất thế giới, mà không cảnh bảo nguy cơ sụp đổ trong thời gian ngắn tới.

Paris, ngày 5/3/2007
NCS. Nguyễn Lan Hương

Ban Dự báo
Viện Chiến lược phát triển – Bộ Kế hoạch và Đầu tư

PS: Trên đây chỉ là sự chia sẻ suy nghĩ và nhận định của một người chơi chứng khoán với hơn 2 năm kinh nghiệm tại thị trường chứng khoán Việt Nam, chứ không đứng trên giác độ phân tích của một chuyên gia kinh tế. Tác giả cho rằng, tuy không nói ra, nhưng đại đa số người chơi chứng khoán có chút kiến thức trên thị trường đều cùng có tâm lý và suy nghĩ như vậy đối với việc “boom” hay “bust” của thị trường trong thời gian ngắn hạn.

--------------------------------------------------------------------------------

[1] Lao động số 48 ngày 2/3/2007

[2] www.vietnamnet.vn/kinhte/2007/02/664110

[3] Chiếm hơn 70% thị phần huy động vốn và cho vay ở Việt Nam www.moi.gov.vn/BForum/detail.asp?

[4] Tham khảo thông tin tại https://www.mof.gov.vn/Default.aspx?tabid=612&ItemID=37849

https://www.saigontimes.com.vn/tbktsg/detail.asp?muc=76&Sobao=795&SoTT=8

[5] Giá trúng thầu bình quân một cổ phần của Công ty Kinh doanh khí hóa lỏng Miền Bắc, Công ty cổ phần Kido, Công ty TNHH 1 thành viên Dây và Cáp điện Việt Nam, Công ty Bảo hiểm Dầu khí Việt Nam trong những ngày cuối tháng 12/2006 và đầu năm 2007 lần lượt là: 115.113; 759.101; 185.369 và 160.250 VND/cp; tức gấp lần lượt 115, 759, 185 và 160 lần so với mệnh giá.

[6] Tham khảo thêm chính sách đối với ngành ngân hàng của Trung Quốc sau khi gia nhập WTO ở Thời báo Kinh tế Sài Gòn số Xuân 2006

[7] https://www.vietnamnet.vn/kinhte/2007/01/655172

[8] Hiện tại, quy mô của TTCK Việt Nam đã bằng khoảng 22% GDP (khoảng 15 tỷ USD), nhưng xét về số tuyệt đối, còn rất nhỏ so với quy mô của các TTCK trong khu vực như Thái Lan (khoảng 100 tỷ USD) hay Singapore (khoảng 200 tỷ USD) Nguồn: www.vienkinhte.hochiminhcity.gov.vn/xemtin.asp?

THEO NGUỒN TRÍCH DẪN TỪ SAGA.VN

https://www.saga.vn/Nghiencuutinhhuong/2288.saga 

PROFILE LHD LAW FIRM
Tags
0 bình luận trong bài viết này
Gửi bình luận
captcha

BÀI VIẾT LIÊN QUAN

+6888+

Khách hàng

+1689+

Dự án

+39+

Nhân sự

3+

Văn phòng